Khánh Hòa: Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản mang lại hiệu quả cao (09-07-2020)

Thực hiện quyết định Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, kế hoạch nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý hoạt động khai thác thủy sản, đưa lĩnh vực thủy sản phát triển một cách bền vững có hiệu quả.
Khánh Hòa: Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản mang lại hiệu quả cao
Ảnh minh họa

Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, trong đó, các nội dung về danh mục các loài thủy sản bị cấm khai thác; các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng tại các vùng biển hoặc từng tuyến khai thác; khu vực bị cấm khai thác và khu vực bị cấm khai thác có thời hạn; chủng loại, kích cỡ tối thiểu các loài thủy sản được phép khai thác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được quy định chi tiết. Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phối hợp thực hiện thường xuyên và đã mang lại hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Ngoài ra, công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản và xây dựng các khu bảo vệ, bãi đẻ; khôi phục và bảo vệ môi trường sống các loài thủy sản tại các vùng nước nội địa trên địa bàn tỉnh cũng được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa chú trọng đầu tư nguồn lực cũng như thực hiện giám sát chặt chẽ.

Hàng năm, Chi cục Thủy sản đã thực hiện công tác điều tra nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Duy trì hệ thống thống kê nghề cá thương phẩm thông qua sổ nhật ký khai thác và thông qua số liệu sản lượng khai thác qua cảng và tiến hành thu thập số liệu thống kê nghề cá thương phẩm trên địa bàn tỉnh để cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ điều tra, nghiên cứu về đa dạng sinh học và nghề cá.

Để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, lực lượng Biên phòng thực hiện các đợt thanh tra, tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền cho ngư dân nắm bắt những quy định trong Luật Thủy sản; Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đặc biệt, trong những năm qua hoạt động phổ biến, tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho các chủ tàu cá, phối hợp tuyên truyền chống khai thác bất họp pháp (IUU) đã được các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền.

Bên cạnh đó, Chi cục thường xuyên phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các đợt tuần tra, kiểm tra liên ngành tại khu vực đầm Nha Phu - Ninh Hòa, đầm Thủy Triều - Cam Lâm, Vịnh Nha Trang, Vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong nhằm tuyên truyền và đẩy lùi việc vi phạm về nghề cấm, vùng cấm.

Hằng năm, UBND tỉnh Khánh Hòa đều bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động khoa học công nghệ để sở, ban, ngành, địa phương; các viện, trường; tổ chức khoa học - công nghệ; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký đề xuất nhiệm vụ khoa học - công nghệ trong đó chú trọng, ưu tiên tuyển chọn những đề tài thiết thực. Các đề tài nuôi trồng thủy sản thời gian qua cũng gặt hái được nhiều thành công trong việc ứng dụng, góp phần đưa Khánh Hòa trở thành một trong những địa phương sản xuất giống thủy sản lớn nhất cả nước. Hiện nay, mỗi năm, ngành này cung cấp hàng triệu con giống cho các hộ dân, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước phục vụ nuôi thương phấm. Nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá bớp, cá chẽm, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá gáy, cá bè đưng, cá mú lai, sá sùng, ốc nhảy, hải sâm, tu hài, điệp seo, ốc hương... Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều nghiên cứu và triển khai các mô hình nuôi thương phẩm (nuôi trong lồng nhựa HDPE, lồng gỗ, ao đất), chuyển giao cho người dân ứng dụng phát triển nuôi trồng thủy sản.

Các đề tài về khai thác, bảo vệ nguồn lợi như: ứng dụng máy rađar hàng hải lên tàu nghề lưới vây, tàu lưới rê khơi; ứng dụng máy dò ngang trên tàu nghề lưới vây, pha xúc, mành chụp, nghề câu; ứng dụng công nghệ Foam PU đối với hầm bảo quản sản phẩm trên các tàu khai thác hải sản xa bờ. Thả rạn nhân tạo phục vụ tái tạo nguồn lợi, môi trường sống cho các loài thủy sản...đã cải thiện được hiệu quả khai thác đem lại sản lượng cao và nâng cao được chất lượng bảo quản sản phẩm sau khai thác.

Trong giai đoạn 2012-2019, tình hình khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn ra tương đối thuận lợi; mặc dù bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất thường của thời tiết (bão, áp thấp, sự sụt giảm về nguồn lợi thủy sản và khó khăn về nguồn nhân lực (thuyền viên), nhưng với quyết tâm của ngư dân cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, sản lượng khai thác thủy sản giai đoạn 2012- 2019 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng có xu hướng tăng dần qua các năm từ 80.160 tấn năm 2012 đến năm 2019 đạt 97.415 tấn, tăng trưởng bình quân là 2,84%/ năm.

Để đạt được kết quả trên, bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, phổ biến pháp luật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và phát triển sản xuất giống thủy sản... tỉnh Khánh Hòa đã chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm quản lý, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Đồng quản lý nghề cá mang lại hiệu quả cao

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa cũng đã thành lập 9 nghiệp đoàn nghề cá, 70 tổ hợp tác nghề cá tại các địa phương ven biển. Các nghiệp đoàn, tổ hợp tác nghề cá đã thu hút hơn 742 tàu cá khai thác xa bờ của tỉnh tham gia. Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã vận động, thành lập và duy trì ổn định 3 mô hình chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả các chuyến biển, động viên ngư dân yên tâm bám biển.

Với sự tài trợ của dự án CRSD, hiện nay đã thành lập được 15 mô hình đồng quản lý nghề cá tại 15 xã, phường ven biển với gần 2.000 hộ ngư dân có tàu công suất < 20 cv đồng thuận tham gia.

Trong năm 2019, Chi cục Thủy sản tiếp tục tổ chức hướng dẫn và hồ trợ các tổ Đồng quản lý trên địa bàn triển khai thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt, hiệu quả của Đồng quản lý đã giúp nguồn lợi thủy sản tại địa bàn Ninh Phước phục hồi, nghề cấm giảm 70-80% đời sống cộng đồng ngư dân ven bờ được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, do duy trì thường xuyên công tác tuần tra kiểm tra trên biển nên nguồn lợi thủy sản tại các đầm, vịnh trên địa bàn đã dần phục hồi.

Phát triển kinh tế gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Khánh Hòa là một trong những tỉnh có hoạt động du lịch và các hoạt động kinh tế gắn với biển rất phát triển, tuy nhiên, nếu không có sự quản lý phối hợp bảo tồn sẽ gây ra xung đột lợi ích giữa phát triển kinh tế, du lịch và hoạt động khai thác thủy sản. Đặc biệt, công tác bảo tồn đa dang sinh học, hệ sinh thái biển.

Hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang thuộc Ban Quản lý khu bảo tồn biến vịnh Nha Trang và được Chính phủ phê duyệt thành thành lập khu bảo tồn biển Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành quy chế quản lý vịnh Nha Trang; trong đó quy định cụ thể về việc quản lý vịnh Nha Trang gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ danh lam thắng cảnh vịnh Nha Trang.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh cũng duy trì hoạt động của Khu bảo vệ hệ sinh thái rạn trào tại Xuân Tự - huyện Vạn Ninh.

Năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt thành lập Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã tại Khánh Hòa do công ty Vinperlland mới mục tiêu cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài thủy sinh hoang dã, đặc biệt là đối với các loài nguy cấp, quý hiếm và xây dựng bảo tang thủy sinh nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân trong việc bảo vệ, tái tạo và phát triển các loài thủy sinh,

Chi cục Thủy sản thường xuyên phối hợp Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã cứu hộ và thả về tự nhiên các cá thế cá heo, rùa biển.. .trôi dạt vào vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều tổ chức tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân ngày truyền thống nghề cá Việt Nam 01/4 và lễ hội Festivai biển (02 năm/lần).

Với sự tài trợ của dựa án CRSD; ban quản lý dự án CRSD tỉnh đã triển khai hoạt động tái tạo san hô, đây là một hoạt động nam trong chuỗi hoạt động hồ trợ cho Khu bảo vệ Rạn Trào nằm trong kế hoạch hoạt động đồng quản lý được triển khai trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm khôi phục rạn san hô ở vùng biển ven bờ xã Vạn Hưng, Vạn Ninh. Đồng thời, nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ hệ sinh thái biển, bảo vệ san hô và duy trì, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Mô hình cấy ghép san hô đã triển khai cấy ghép được 50 cụm với 150 giá thể san hô, tỷ lệ sống đạt trên 80%.

Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa cũng đã triển khai nhiều dự án trồng và khôi phục lại rừng ngập mặn ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, khu vực Đầm Bấy trong vịnh Nha Trang, ven đầm Thủy Triều, huyện Cam Lâm, nhất là ở ven đầm Nha Phu thuộc hai xã Ninh Ích và Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa.

Hàng năm, nhân các Ngày Đa dạng sinh học thế giới, Ngày Môi trường thế giới và hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ban quản lý Vịnh Nha Trang đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường cụ thể: Vận động các Công ty kinh doanh dịch vụ du lịch đang hoạt động trong vịnh Nha Trang bắt sao biển gai nhằm kiểm soát sự phát triển của sao biển gai trong mùa sinh sản.

Thực hiện tiêu chí mỗi tháng có 01 ngày làm sạch môi trường, Ban quản lý đã vận động các câu lạc bộ lặn tổ chức lặn vớt rác dưới đáy biển Hòn Mun. Rác thải thu gom được chủ yếu là chai nhựa, túi nhựa, lưới đánh cá phủ trên rạn san hô. Thực hiệ thả cá vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tăng số lượng loài trong Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác